Ngày 11/12, tại trụ sở Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Ban chỉ đạo Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) Trung ương đã tổ chức hội nghị tổng kết rút kinh nghiệm tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021.
Thứ trưởng Lê Tấn Dũng, Phó trưởng Ban chỉ đạo Tháng hành động về
An toàn vệ sinh lao động Trung ương chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị còn có thành viên Ban Chỉ đạo là đại diện của các Bộ, ngành: Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam; Bộ Quốc Phòng, Công An, Y tế, Công Thương… cùng đại diện các đơn vị liên quan.
Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 được phát động từ ngày 01 đến ngày 31/5/2020 đã được các Bộ, ngành, địa phương, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động hưởng ứng sôi nổi với nhiều hoạt động phong phú, thiết thực. Lễ Phát động Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân năm 2020 được Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp tổ chức vào sáng ngày 8/5.
Sau lễ phát động, Ban chỉ đạo đã tổ chức 03 Đoàn thăm 16 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động. Các Bộ, ngành đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc lập kế hoạch và tổ chức các hoạt động thiết thực hưởng ứng Tháng hành động. Trong đó, Bộ LĐTBXH, với vai trò là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo đã tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, cơ quan thành viên tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình tổ chức Tháng hành động.
Trong Quý II năm 2020, đã tổ chức thanh tra, kiểm tra trọng điểm về công tác thi hành pháp luật ATVSLĐ đối với 17 đơn vị, doanh nghiệp. Tổ chức thông tin, tuyên truyền rộng rãi đến các cơ quan báo, đài về chủ đề, nội dung của Tháng hành động; Phối hợp với cơ quan báo, đài, tạp chí xây dựng hàng chục chuyên trang, chuyên mục ATVSLĐ để tuyên truyền đến đông đảo người lao động.
Bộ Y tế: Đã ban hành văn bản chỉ đạo Sở Y tế các tỉnh, thành phố, các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế tổ chức hoạt động hưởng ứng Tháng hành động; Xây dựng và phát hành 01 tạp chí chuyên đề về an toàn sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp và nhiều tài liệu hướng dẫn, phòng chống dịch Covid-19; các đơn vị y tế khám sức khỏe định kỳ cho 188.600 người lao động; khám phát hiện bệnh nghề nghiệp tại 1.750 đơn vị; tiến hành đo kiểm tra môi trường lao động cho 1.860 đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh; kiểm tra việc chấp hành pháp luật về ATVSLĐ, chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh nghề nghiệp, phòng chống dịch Covid-19 tại 12 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Bộ Quốc phòng: Phát biểu hưởng ứng Tháng hành động trong bản tin thời sự lúc 20h tối ngày 8/5/2020 trên Truyền hình Quốc phòng Việt Nam. Phối hợp với các báo, đài thực hiện xây dựng phim, hàng chục phóng sự chuyên đề và gần 500 tin, bài, phóng sự truyền hình khu vực và địa phương…; Các đơn vị tổ chức hơn 600 lượt thanh, kiểm tra về ATVSLĐ; Tổ chức thăm hỏi, tặng quà cho gần 400 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động.
Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đã ban hành 06 văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các cấp công đoàn phối hợp với cơ quan chức năng và chuyên môn xây dựng kế hoạch, chương trình tổ chức các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động ATVSLĐ gắn với việc phòng chống dịch bệnh Covid-19 tại nơi làm việc; Đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng, các giải pháp phòng, chống dịch Covid-19 cho doanh nghiệp và người lao động; hơn 7.200 bản tin, phóng sự, tọa đàm, phỏng vấn về ATVSLĐ được đăng tải, phát sóng trên các báo, tạp chí, truyền hình của Trung ương và địa phương; Lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm và tặng quà cho 3 gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động có hoàn cảnh khó khăn ở Hà Nội; các cấp công đoàn đã thăm hỏi, động viên và tặng quà cho gần 7.100 nạn nhân, gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; gần 1.180 công đoàn cơ sở và công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở tổ chức Hội thi an toàn vệ sinh viên giỏi bằng hình thức trực tuyến và sân khấu hóa…
Các địa phương cũng tích cực hưởng ứng Tháng hành động về ATVSLĐ. Theo báo cáo của các địa phương, hoạt động thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ trên các phương tiện thông tin đại chúng tăng hơn 600% so với cùng kỳ năm ngoái. Các cơ quan báo, đài ở Trung ương và địa phương đã liên tục phát gần 33.600 tin, bài, tọa đàm, phỏng vấn, phóng sự trên các phương tiện thông tin đại chúng, đặc biệt là tuyên truyền trên các đài quận, huyện, xã phường; gần 1.322.000 tờ rơi, tranh áp phích và các ấn phẩm thông tin tuyên truyền về ATVSLĐ được in, phát miễn phí tới doanh nghiệp. Trong quý II năm 2020, cả nước đã có hơn 390.000 lượt người huấn luyện ATVSLĐ; gần 3.300 cuộc thanh, kiểm tra ATVSLĐ tại các doanh nghiệp.
Trong Tháng hành động cũng có gần 12.800 cuộc tự kiểm tra, trong đó có gần 30.700 nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ được phát hiện và có hơn 10.800 nội quy, quy trình làm việc an toàn đã được các doanh nghiệp ban hành. Bên cạnh đó, cả nước có hơn 44 cuộc thi an toàn, vệ sinh viên giỏi, thu hút gần 14.000 lượt người lao động và quần chúng nhân dân tham gia, nhiều cuộc thi tổ chức theo hình thức trực tuyến. Các Bộ, ngành, địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi, động viên hơn 4.560 nạn nhân và gia đình nạn nhân bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Tại hội nghị, Ban chỉ đạo cũng đã đánh giá những kết quả đạt được cũng như những khó khăn, hạn chế khi thực hiện Tháng hành động như: Do ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19 nên nhiều hoạt động hưởng ứng Tháng hành động như tổ chức huấn luyện, các hội thi về ATVSLĐ, hội nghị, hội thảo… không thể triển khai theo kế hoạch được. Ở một số địa phương, công tác chỉ đạo, kiểm tra và đôn đốc chưa được thường xuyên…
Các thành viên của Ban chỉ đạo cũng thảo luận, đóng góp ý kiến cho kế hoạch tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021. Trong đó, hầu hết các ý kiến đều nhất trí quan điểm kết hợp tổ chức Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân. Về chủ đề của Tháng hành động phải bao hàm được các mục tiêu của Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân, như: Tăng cường công tác
huấn luyện An toàn lao động và An toàn, vệ sinh viên trong bối cảnh cuộc cách mạng 4.0; Phát huy vai trò của an toàn, vệ sinh viên trong phòng ngừa, kiểm soát yếu tố rủi ro tại nơi làm việc…
Phát biểu kết luận hội nghị, Thứ trưởng Lê Tấn Dũng nhấn mạnh, năm 2020 là một năm đầy khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa, giảm giờ làm, gây khó khăn cho đời sống của người lao động. Chính phủ cũng đã có những chính sách để kịp thời hỗ trợ người dân và người lao động gặp khó khăn. Các cấp, ngành cũng đã quan tâm giải quyết việc làm và đảm bảo ATVSLĐ cho người lao động. Có thể nói, Tháng hành động 2020 đã nhận được sự quan tâm của tất cả các Bộ, ngành, địa phương và người lao động, với nhiều kết quả tích cực. Nhiều Bộ, ngành, địa phương đã có nhiều cách làm sáng tạo, hiệu quả; Các hoạt động hưởng ứng trong các làng nghề, khu vực người lao động làm việc không theo hợp đồng đã có những chuyển biến tích cực; một số tỉnh đã không để xảy ra tai nạn lao động chết người…
Về kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, Thứ trưởng yêu cầu các thành viên của Ban chỉ đạo cần thảo luận để thống nhất kế hoạch triển khai Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2021, phải dự phòng cả phương án dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, không thể tổ chức hội nghị đông người. Bên cạnh đó, vẫn kết hợp tổ chức cả Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân; Chủ đề của Tháng hành động phải bao hàm mục tiêu của cả Tháng hành động về ATVSLĐ và Tháng Công nhân.
Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, Tháng hành động chỉ là điểm nhấn để tổ chức nhiều hơn những hoạt động tuyên truyền huấn luyện, thanh tra, kiểm tra công tác ATVSLĐ. Còn quan trong hơn cả là công tác đảm bảo ATVSLĐ phải được thực hiện xuyên suốt trong cả năm để đảm bảo phòng ngừa rủi ro, tai nạn lao động và phải làm sao để đảm bảo đời sống, quyền lợi cho người lao động.
Cũng trong sáng ngày hôm nay, Hội đồng quốc gia về ATVSLĐ đã triển khai cuộc họp để đánh giá những công việc đã triển khai sau cuộc họp Hội đồng quốc gia ATVSLĐ lần thứ III và kế hoạch triển khai năm 2021. Trong đó, đưa ra dự kiến tổ chức đối thoại định kỳ năm 2021 vào ngày 5/5/2021, trong Tháng hành động về ATVSLĐ. (Theo tin từ Cục An toàn lao động)