Công tác an toàn vệ sinh lao động: Cần đi vào chiều sâu
Một trong những nội dung quan trọng của Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) năm 2017 là, tập trung cụ thể hóa hoạt động ATVSLĐ và gắn với lợi ích đoàn viên công đoàn, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực từ ý thức, nhận thức cho đến những hành động cụ thể của các cấp, các ngành, người sử dụng lao động và người lao động (NLĐ). Tuy nhiên, công tác này vẫn còn gặp nhiều khó khăn.
Tiềm ẩn rủi ro trong lao động sản xuất
Thực tế hiện nay cho thấy, điều kiện và môi trường làm việc tại các đơn vị, doanh nghiệp thường xuyên có sự thay đổi, không ổn định, nhất là trong một số lĩnh vực, ngành nghề có nguy cơ, rủi ro cao, như: khai thác đá, xây dựng, tiếp xúc với điện, chế biến gỗ...
Đáng chú ý có vụ tai nạn lao động (TNLĐ) vào ngày 27-2-2017 tại bãi đá của Công ty TNHH Thế Thịnh 7. Các công nhân khi đang lao động trên bãi đá ở độ cao 70m thì xảy ra hiện tượng đá sập và gây tử vong đối với công nhân Võ Đức Hướng (sinh năm 1972). Hay vụ việc vào ngày 3-4 vừa qua, tại Công ty TNHH TM và gạch ngói Tuynel Cầu 4, để chuẩn bị tắt máy móc, làm vệ sinh nhà xưởng, chị Hoàng Thị Cơ (sinh năm 1984) sơ ý đã bị lưỡi cưa cắt đứt bàn tay trái. Trường hợp của anh Trương Quý Hóa (sinh năm 1983), là công nhân của Công ty CP Xây dựng và tư vấn Bình Lợi, đã bị máy cưa cắt vào chân trái khi đang làm việc cưa xẻ gỗ ván khuôn vào thời điểm đầu năm 2017...
|
Công ty CP Vật liệu xây dựng 1-5 áp dụng tốt quy trình an toàn giúp công nhân lao động yên tâm sản xuất. |
Theo thống kê sơ bộ của Sở Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), năm 2016, toàn tỉnh đã xảy ra 71 vụ TNLĐ. Riêng 6 tháng đầu năm 2017, toàn tỉnh đã xảy ra 28 vụ TNLĐ, làm 3 người chết. Rõ ràng, tình trạng TNLĐ vẫn tiếp tục diễn ra, gây ra những tổn thất lớn về người và tài sản. Nhưng, theo ông Đoàn Xuân Toản, Chánh thanh tra Sở LĐ-TB-XH, trên thực tế, số lượng vụ TNLĐ có thể xảy ra nhiều hơn, tuy nhiên, do đơn vị sử dụng lao động và nhận thức của NLĐ còn hạn chế nên không khai báo, dẫn đến việc đơn vị chưa nhận được đầy đủ thông tin.
Qua trao đổi về nguyên nhân các vụ TNLĐ trong thời qua, ông Đoàn Xuân Toản cho biết, những năm gần đây, theo kiểm tra thực tế tại các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn về ATVSLĐ, đa số doanh nghiệp, chủ sở hữu lao động và NLĐ đã có ý thức về ATVSLĐ. Người đứng đầu cơ quan, các chủ doanh nghiệp đã chủ động tuyên truyền tới NLĐ và bảo đảm an toàn lao động theo quy chế, nội quy đề ra. Đặc biệt, đối với những doanh nghiệp hoạt động thường xuyên và phải sử dụng các thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ, công tác này càng được chú trọng.
Bà Nguyễn Thị Bích Dung, Giám đốc Công ty CP Vật liệu xây dựng 1-5 cho biết, hàng năm, ngoài việc huấn luyện an toàn cho công nhân, công ty đều phối hợp với các cơ quan chức năng của tỉnh tổ chức huấn luyện và thi sát hạch kiến thức ATLĐ cho công nhân. Nhờ vậy, thời gian qua, công ty không để xảy ra TNLĐ nghiêm trọng.
Tuy nhiên, ngoài những doanh nghiệp đã thực hiện tốt, vẫn còn những đơn vị, doanh nghiệp vi phạm một số quy định trong công tác ATVSLĐ gây TNLĐ. Cụ thể, nhiều đơn vị, doanh nghiệp nhỏ thường xuyên có sự biến động về nguồn nhân công, chưa thực sự quan tâm đúng mức ATVSLĐ và chưa chấp hành nghiêm chỉnh Luật ATVSLĐ. Do vậy, môi trường lao động luôn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặt khác, một trong những nguyên nhân phổ biến dẫn đến các vụ TNLĐ xảy ra là do NLĐ không được huấn luyện hoặc huấn luyện không đầy đủ các kiến thức, kỹ năng làm việc ATVSLĐ, hoặc chưa được trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ. Trong khi đó, nếu TNLĐ xảy ra, thiệt thòi nhất chính là NLĐ, đặc biệt là các đối tượng không có bảo hiểm y tế và bảo hiểm xã hội, phải tự lo mọi khoản chi phí.
Nâng cao nhận thức tự phòng ngừa cho người lao động
Để tăng cường công tác ATVSLĐ trong các đơn vị, doanh nghiệp, giảm thiểu TNLĐ, thời gian qua, ngành LĐ-TB-XH đã đẩy mạnh tuyên truyền về ATVSLĐ. Đặc biệt, Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2017 với chủ đề “Thúc đẩy công tác huấn luyện ATVSLĐ để phòng ngừa các TNLĐ và bệnh nghề nghiệp” đã được tỉnh tập trung triển khai đến tận các công ty, doanh nghiệp và NLĐ. Đây chính là tháng cao điểm để các cấp công đoàn tham gia với cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền đồng cấp, rà soát lại công tác ATVSLĐ, xây dựng kế hoạch hành động thiết thực, phù hợp, với chủ đề ngắn gọn, tập trung vào những vấn đề tồn tại nổi cộm, những nguy cơ trọng điểm cần khắc phục ở ngành, địa phương, cơ sở, doanh nghiệp...
|
Nghề khai thác đá tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. |
Trước hết, với mục đích nhằm nâng cao nhận thức và sự tuân thủ pháp luật về ATVSLĐ trong các cơ sở sản xuất, kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước cần tăng cường hoạt động của hệ thống về triển khai các chiến dịch thanh tra ATVSLĐ trong các lĩnh vực có nguy cơ cao về TNLĐ; đồng thời, cương quyết xử lý nghiêm các vi phạm ATVSLĐ gây TNLĐ nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, theo ông Nguyễn Lương Bình, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh, để nâng cao hiệu quả ATVSLĐ trong các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn, các công đoàn cơ sở cần phối hợp tốt với người sử dụng lao động tổ chức các hình thức thi đua về ATVSLĐ với nội dung phong phú, đa dạng, sinh động, thiết thực và phù hợp với từng ngành nghề, cơ sở. Đây chính là biện pháp hiệu quả và ít tốn kém nhằm phòng ngừa và hạn chế các TNLĐ xảy ra.
“Tùy tình hình thực tế tại địa phương, các ngành, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tổ chức các hoạt động, như: bồi dưỡng, đào tạo kiến thức về ATVSLĐ, tập huấn về công tác bảo đảm an toàn lao động, hội thi tìm hiểu về ATVSLĐ, hay tọa đàm, đối thoại chuyên đề... Đặc biệt, NLĐ cần tích cực tham gia các lớp huấn luyện, tự giác chấp hành các quy định về An toàn vệ sinh lao động nhằm tự nâng cao nhận thức, kỹ năng và giải pháp phòng ngừa TNLĐ cho chính mình...”, ông Nguyễn Lương Bình nhấn mạnh.
Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Sở LĐ-TB-XH cũng yêu cầu các doanh nghiệp hàng năm khi triển khai kế hoạch sản xuất kinh doanh phải triển khai các biện pháp ATVSLĐ và cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ, đồng thời, phổ biến Luật ATVSLĐ, bảo đảm cho NLĐ thật sự có môi trường làm việc an toàn. Các doanh nghiệp có quy mô từ 300 lao động trở lên phải có biên chế cán bộ chuyên trách làm công tác bảo hộ lao động tương ứng và phù hợp với số lượng lao động và mức độ nguy cơ TNLĐ, các Doanh nghiệp cần thiết phải cho công nhân được Huấn luyện An toàn vệ sinh lao động, Người lao động trong các công trình xây dựng phải được phổ biến học An toàn vệ sinh lao động và phải đeo thẻ an toàn lao động khi vào công trình làm việc.
Cùng với công đoàn, các tổ chức chính trị - xã hội và tổ chức xã hội nghề nghiệp khác cũng cần khẳng định vai trò của mình trong việc tham gia vào công tác tuyên truyền về ATVSLĐ trong khuôn khổ quy định của pháp luật nhằm thúc đẩy và nâng cao chất lượng công tác ATVSLĐ. (Nguồn tin : Sở lao động Quảng Bình)