Phát huy các giá trị Tư tưởng Hồ Chí Minh về đảm bảo An toàn cho NLĐ trong bối cảnh cuộc CMCN lần thứ tư và hội nhập quốc tế
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong phát triển các chủ trương, quan điểm, lý luận của Đảng về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và chăm sóc sức khỏe người lao động
- Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI viết "Công tác bảo hộ lao động trên các công trường, trong các nhà máy, hầm mỏ phải được thật sự quan tâm"
[1].
- Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VII khẳng định "...cải thiện một bước điều kiện làm việc, ăn ở, đi lại và nghỉ ngơi cho nhân dân lao động...".
- Báo cáo chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VIII chỉ rõ "...phải kiểm tra, kiểm soát việc thuê mướn, sử dụng lao động, bảo đảm thực hiện những qui định về bảo hộ, an toàn lao động..., bảo vệ lợi ích chính đáng của người lao động”
[2].
- Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX nhấn mạnh việc "...chăm lo cải thiện điều kiện làm việc, bảo đảm an toàn và vệ sinh lao động, phòng chống tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp cho người lao động"
[3] và "Chú trọng bảo đảm an toàn lao động"
[4].
- Văn kiện đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X, chỉ rõ: “Tiếp tục hoàn chỉnh thể chế thị trường lao động theo hướng bảo đảm hài hoà lợi ích của người lao động và người sử dụng lao động. Đổi mới hệ thống bảo hiểm xã hội theo hướng đa dạng hoá hình thức và phù hợp với kinh tế thị trường; xây dựng chế độ bảo hiểm thất nghiệp, thực hiện tốt chế độ bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động”
[5].
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ sáu 6, Ban chấp hành Trung ương khóa X “về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã yêu cầu “Bổ sung, sửa đổi, nâng cao tính khả thi của các chính sách, pháp luật để cải thiện điều kiện lao động, bảo hộ lao động, phòng, chống có hiệu quả tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, tăng cường chăm sóc sức khoẻ công nhân, nhất là đối với công nhân nữ, những công nhân làm việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Nhà nước tăng cường đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng công tác khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế, nhất là ở những nơi có đông công nhân”.
- Nghị quyết Hội nghị lần thứ 9, Ban Chấp hành Trung ương khoá X về “Một số nhiệm vụ, giải pháp lớn nhằm tiếp tục thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ X của Đảng”, tại nội dung về “Thực hiện tốt nhiệm vụ tạo việc làm, xoá đói, giảm nghèo và đảm bảo an sinh xã hội...”, trong đó đề ra nhiệm vụ: “Xây dựng quan hệ lao động lành mạnh, bảo đảm vệ sinh, An toàn - Lao động trong các loại hình doanh nghiệp...”.
- Báo cáo Chính trị tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng chỉ rõ: “Chăm lo bảo hộ lao động; cải thiện điều kiện làm việc; hạn chế tai nạn lao động; tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật lao động, đưa việc thi hành pháp luật lao động vào nề nếp; xây dựng quan hệ lao động ổn định, hài hoà, tiến bộ”
[6].
- Nghị Quyết số 46/NQ-BCT của Bộ Chính trị về công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới cũng đã nêu rõ: “Kịp thời dự báo và có biện pháp ngăn ngừa để hạn chế tối đa những tác động tiêu cực đối với sức khoẻ do thay đổi lối sống, môi trường và điều kiện lao động trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá….. Đẩy mạnh phòng chống các bệnh nghề nghiệp”.
Năm 2013, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị số 29-CT/TW về “Đẩy mạnh công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế”. Trong đó nêu rõ, phải Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an toàn lao động, vệ sinh lao động, với một nội dung cụ thể là Hoàn thiện hệ thống pháp luật về an toàn lao động, vệ sinh lao động phù hợp với các quy định, công ước quốc tế mà Việt Nam tham gia.
Như vậy, công tác an toàn, vệ sinh lao động được Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn luôn quan tâm chỉ đạo, đặc biệt là từ khi thực hiện sự nghiệp đổi mới đến nay.
Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh trong xây dựng hệ thống pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động
Với tư tưởng, quan điểm con người là vốn quí nhất của xã hội, trong các bản Hiến pháp đều quy định việc nhà nước ban hành chính sách, pháp luật bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động cho người lao động. Đến bản Hiến pháp năm 2013, đã có bước chuyển lớn, khi ghi nhận quyền được làm việc trong môi trường an toàn của người lao động.
Bác Hồ đến thăm công nhân nhà máy diêm Thống nhất ngày 18/6/1956 (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia)
Trong lúc Miền Bắc vừa sản xuất, vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại và chi viện cho Miền Nam đánh đuổi giặc Mỹ, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành "Điều lệ tạm thời về Bảo hộ lao động" (tháng 12/1964), Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp,năm 1991, Hội đồng Nhà nước đã ban hành Pháp lệnh bảo hộ lao động, nhằm tăng cường quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với công tác bảo hộ lao động khi đất nước ta đang triển khai công cuộc đổi mới được Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI thông qua. Năm 1994, Quốc hội ban Bộ Luật lao động, trong đó dành chương 9 quy định về an toàn lao động, vệ sinh lao động với 14 điều (từ điều 95 đến điều 108) quy định cụ thể về an toàn lao động, vệ sinh lao động. Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu quá trình phát triển sự nghiệp Bảo hộ lao động, an toàn, vệ sinh lao động của nước ta lên mức cao hơn phục vụ quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế. Trên cơ sở đó Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan của Chính phủ đã ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện các chế độ về Bảo hộ lao động, an toàn lao động, vệ sinh lao động…
Luật An toàn, vệ sinh lao động được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ IX, tháng 6 năm 2015, với 93 điều, đã quy định rõ quyền, nghĩa vụ về đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động của người sử dụng lao động và người lao động, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan; yêu cầu thiết lập hệ thống kiểm soát rủi ro trong lao động, dựa trên nguyên tắc phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Từ năm 2013 đến 2020, Chính phủ đã ban hành 06 Nghị định quy định chi tiết Bộ Luật Lao động năm 2012, Luật An toàn vệ sinh lao động năm 2015; rà soát, xây dựng 06 Nghị định có liên quan đến công tác an toàn, vệ sinh lao động trong các lĩnh vực đặc thù; 03 Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã chủ trì và tham gia phối hợp với các Bộ ban hành hơn 100 văn bản pháp luật có liên quan (Phụ lục I); nghiên cứu việc gia nhập Công ước số 187 về Khung chính sách thúc đẩy an toàn, vệ sinh lao động. Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đã ban hành 50 Thông tư hướng dẫn các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các quy định của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ
Hệ thống văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật An toàn, vệ sinh lao động cơ bản đáp ứng yêu cầu cụ thể hóa các chính sách, đưa Luật đi vào cuộc sống và kịp thời điều chỉnh những vấn đề phát sinh, góp phần đưa công tác quản lý nhà nước và thực thi chính sách, pháp luật trong lĩnh vực này ngày càng hiệu quả hơn.
Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay, vấn đề an toàn, vệ sinh lao động ngày càng được coi trọng và quyết định sự thành đạt, uy tín của doanh nghiệp, sự bình ổn xã hội và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Việt Nam đã và đang tiến hành quá trình công nghiệp hóa một cách nhanh chóng. Xây dựng môi trường làm việc an toàn và lành mạnh cho mọi người lao động là một lĩnh vực ưu tiên trong các chương trình hành động quốc gia.
Vận dụng tư tưởng Hồ Chí Minh trong khai thực hiện công tác phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp
Ngày 18.7.1969, không lâu trước lúc đi xa, Bác đã dành một trong những cuộc tiếp xúc cuối cùng cho đại biểu của Công đoàn Việt Nam. Trong các dặn dò của Bác, có câu: “Công đoàn phải có biện pháp thiết thực để nâng cao trình độ văn hóa và kỹ thuật của công nhân, phải tùy khả năng cộng với cố gắng mà nâng cao dần đời sống vật chất của họ; phải chú ý bảo vệ sức khỏe, bảo vệ an toàn lao động và tăng cường công tác vệ sinh...”( Hồ Chí Minh: Toàn tập, Sđd, t. 15, tr. 680).
Với tư tưởng, khi còn để xảy ra tai nạn lao động, điều đó rất đáng tiếc và chúng ta cần phải hết sức bảo vệ, không để xảy ra tai nạn lao động, mà Bác đã nêu, sau khi Luật An toàn, vệ sinh lao động được ban hành, công tác thông tin, tuyên truyền về ATVSLĐ được Chính phủ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam và chính quyền địa phương các cấp quan tâm hơn, tạo nên những chuyển biến rõ rệt trong nhận thức của người lao động và cộng đồng về an toàn, vệ sinh lao động; hình thức tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật ngày càng đa dạng, đổi mới bằng các hình thức trực quan, sinh động, nội dung phong phú; tập trung vào các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh và người lao động làm việc trong môi trường, điều kiện có nguy cơ cao về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung trò chuyện với anh em thợ lò
tại khu vực Lò chợ 41104, Công ty Than Hà Lầm.
Công tác an toàn lao động đang từng bước được các doanh nghiệp thực hiện tốt hơn, đặc biệt sau khi có Chỉ thị 29-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng năm 2013 và Luật an toàn vệ sinh lao động (2015). Tuy nhiên, tai nạn lao động vẫn chưa có chiều hướng giảm đi. Trong giai đoạn 2014-2019, tai nạn lao động có xu hướng tăng dần theo cả ba tiêu chí: số vụ tai nạn, số người chết và số người bị thương nặng. Riêng năm 2019 có hơn 8000 vụ tai nạn lao động làm gần 1000 người chết và gần 2000 người bị thương nặng. Trên thực tế, số vụ tai nạn lao động, số người mắc bệnh nghề nghiệp có thể lớn hơn nhiều con số được công bố vì hiện tại mới có khoảng 6% số doanh nghiệp báo cáo về công tác bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động trong khi nhiều doanh nghiệp, địa phương chưa chủ động báo cáo hoặc cố tình che giấu thông tin về tai nạn lao động.
Quyết định số 681/QĐ-TTg năm 2017 của Thủ tướng Chính phủ xác định lộ trình giảm tần suất tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp đến năm 2025 và 2030, lần lượt là 5% cho số vụ và 4,5 cho số người chết và số người bị thương tích nặng.
Với thực trạng và mục tiêu như trên, Việt Nam sẽ đối mặt nhiều thách thức trong việc bảo đảm môi trường làm việc an toàn cho người lao động để có thể giảm được tần suất tai nạn lao động, số người chết và bị thương nặng do tai nạn lao động hàng năm như lộ trình đã đề ra đến năm 2025 và 2030. Tất cả các yêu cầu khách quan của nội tại phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu thực hiện các công ước của Tổ chức Lao động Quốc tế, các hiệp định thương mại thế hệ mới đòi hỏi Việt Nam cần tăng cường công tác ATVSLĐ. Công nghệ robot - Cơ điện tử (Robotics - Mechatronics) sẽ được xem là một trong những trụ cột của nền công nghiệp 4.0 nhưng chúng ta chưa có nghiên cứu để đánh giá tác động và tìm hiểu những mối nguy, rủi ro trong lao động và đời sống; cơ chế quản lý doanh nghiệp đang chuyển đổi rất đa dạng nhưng chưa ổn định, đặc biệt quá trình cổ phần hóa, tư nhân hóa; sản xuất nông nghiệp thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn ngày càng sử dụng nhiều máy móc, thiết bị, hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật.
(Còn nữa)
ThS. Nguyễn Anh Thơ, ủy viên BCH Đảng bộ
Phó Cục trưởng Cục An toàn lao động